Cách làm việc Herodotos

Bản sao một bức họa chân dung Herodotos, thế kỷ 4 TCN, cung điện Massimo alle Terme
Tôi thấy Pindar nói đúng, ông bảo: "Phong tục tập quán là vua của tất cả..."
— Herodotos[8]

Nhà sử học Herodotos thích những chiến công hào hùng, công lao của những người khai quốc[8], hay những điều ly kỳ ngoạn mục[17], nên trong bộ sử của ông có đầy những điều này. Ông kể về vai trò của phụ nữ, miêu tả về các phong tục tập quán mọi dân tộc, và kể rất rõ về những Kim Tự Tháp, những bức tường thành Babylon, những hệ thống kênh đào, và những ngôi đền nổi tiếng, v.v...[8] Tuy nhiên, ông nói rõ điều nào ông đã tai nghe mắt thấy, và điều nào ông chỉ được nghe người khác kể lại. Chẳng hạn, ông ghi rằng, người ta nói nước của những cơn lũ hàng năm của sông Nin là do tuyết tan ở những vùng rất xa ở phía nam, và ông biên thêm lời bàn rằng ông không hiểu làm sao có thể có tuyết được ở châu Phi, nơi nóng nhất của thế giới. (Q 2, khoảng đoạn 18ff) Ông cũng ghi rõ rằng trong chuyến du lịch đến Ai Cập, ông được học hỏi về văn hóa - lịch sử của quốc gia lâu đời nhất nhân loại này qua các giáo sĩ tại thành Memphis. Qua đó, ông cho rằng những câu chuyện khác của người Hy Lạp là ngu xuẩn. Không những đàm thoại với các giáo sĩ tại thành Memphis mà ông còn đến thành HeliopolisThebes để học hỏi thêm với nhân dân Ai Cập.[18]

Ghi nhận của ông về những kinh nghiệm thông qua chuyến du lịch khắp nơi của ông đều hấp dẫn và thể hiện cảm nghĩ của ông, trở nên còn hơn thế nữa vì văn phong xuất sắc của ông.[10] Khi các nguồn tài liệu đưa ra dữ kiện khác nhau, thì ông cũng đề cập đến rõ ràng. Chẳng hạn như nói về việc xây kim tự tháp Khufu, thì ông ghi (đại ý) rằng: "Người ta kể hai cách khác nhau về việc đưa đá lên đến đỉnh tháp. Người thì kể rằng ở mỗi nấc đều có máy đưa đá lên nấc trên. Người thì cho là chỉ có một máy đưa đá, dùng cho mọi nấc. Tôi giữ lại cả hai câu chuyện." (Q2, khoảng đoạn 148ff) [19]

Một ví dụ khác, ông có ghi nhận rằng Hoàng đế Cyrus Đại Đế - vị quốc tổ của Đế quốc Ba Tư, ban đầu đánh thắng được người Masagetae,[20] nhưng sau đó bị Nữ hoàng của người Massagetae là Tomyris đánh bại và giết chết, rồi cho tìm thi hài của ông ta,[21] sau đó bà ta chặt đầu xác của nhà vua và bỏ cái đầu của ông ta vào vũng máu để trả thù cho việc ông ta giết chết con trai của vị Nữ hoàng. Trận đánh giữa người Massagetae và quân Ba Tư (530 TCN) được Herodotos xem là một trận chiến khốc liệt và dữ dội hơn cả vào thời kỳ ấy.[20] Nhưng cũng theo ông, có nhiều tài liệu nói khác nhau về cái chết của Hoàng đế Cyrus Đại Đế, và ông cho rằng, câu chuyện mà ông ghi là đáng tin cậy nhất trong những câu chuyện mà ông biết đến.[22][23]

Cho đến nay, vấn đề cái chết của nhà chinh phạt kiệt xuất này vẫn là một điều bí ẩn:[24] Sau trận đánh, Quân đội Ba Tư nhất định phải mang thi hài của Hoàng đế Cyrus Đại Đế về mai táng tại kinh thành Pasargadae, chính một số nhà sử học của tộc Hy Lạp sau này đã ghi nhận về một Lăng mộ của Cyrus Đại Đế.[25]. Ngay cả sự tồn tại của vị Nữ hoàng Tomyris cũng không rõ là có thật hay không.[23] Không những thế, những nhà sử học khác của tộc Hy Lạp như Ctesias và Xenophon cũng có ghi nhận khác biệt về cái chết của Hoàng đế Cyrus Đại Đế.[24] Không những Xenophon và Ctesias, Onesicritus và dường như cả Pythagoras xứ Samos cũng ghi nhận mâu thuẫn về cái chết của vị Hoàng đế Ba Tư vĩ đại.[26]

Song, nhà sử học Herodotos vẫn đề cao tài năng của Hoàng đế Cyrus Đại Đế năm xưa[27]. Thái độ của ông cũng rất mực khách quan và vô tư. Đế quốc Ba Tư vốn đã mấy phen dày xéo các xứ tộc Hy Lạp, và thời ông cũng có nhiều người Hy Lạp sợ uy, theo ủng hộ hoặc phục vụ Ba Tư. Tuy nhiên khi nói về Ba Tư, ông không có thái độ thù hằn, cũng không có thái độ quy phục. Vào thời kỳ cổ đại, người Hy Lạp hay gọi các dân tộc không nói tiếng Hy Lạp là "rợ". Trong bộ sử của ông, ông thán phục những "rợ" như Ba Tư và Ai Cập vì họ giỏi khoa học, khôn ngoan và nhân đạo (ví dụ như trong cuốn VII của bộ sử, ông miêu tả về sự đại lượng của vị Hoàng đế Ba Tư Xerxes I đối với những người Sparta.). Hoàng đế Cyrus Đại Đế vốn đối xử khoan dung và nhân từ với các tù binh, và thậm chí Herodotos còn ghi nhận rằng vị "Vua của các vị vua" này phong vua xứ LydiaCroesus làm quan đại thần trong Triều đình Ba Tư, sau khi quân Ba Tư chinh phạt xứ Lydia vào năm 547 TCN.[28] Nhưng là một người Hy Lạp, ông vẫn dùng từ "rợ" để chỉ người Ba Tư.[29][30][31]

Mặt khác, việc ông gọi người Ba Tư là "rợ" đã khiến tác phẩm "Xerxes" của Dennis Abrams xem ông thiên vị quê cha đất tổ Hy Lạp của ông. Theo sách này, với cái nhìn từ phía người Hy Lạp - dân tộc hiến thắng tại Marathon - ông coi dân tộc bại trận Ba Tư là một bọn vô đạo đức, vô giáo dục và do đó chúng đã bị dân tộc Hy Lạp văn minh đánh bại.[31] Có tài liệu cũng cho rằng ông, có thể có quan điểm chống Ba Tư riêng khi ghi nhận rất tiêu cực về vị Hoàng đế Cambyses II của Đế quốc này. Tuy nhiên, cũng theo tài liệu này, có khả năng ông viết như vậy vì nghe theo lời kể của những giáo sĩ dân tộc chủ nghĩa của Ai Cập cổ đại (Hoàng đế Cambyses II đã chinh phạt xứ Ai Cập vào thập niên 520 TCN).[32] Cách hành văn của ông đơn giản, vui và đặc sắc, cũng có lúc chất phác và có lúc thi vị. Tường thuật về lịch sử của rất nhiều nước, địa lý và phong tục của rất nhiều vùng, với thỉnh thoảng những sự kiện lớn hội tụ nhiều nhân vật và nhiều sắc dân, trong một bộ sách, nên ông theo cách tường thuật hơi "vòng vo Tam Quốc", hoặc như trong "Đông Chu Liệt Quốc", nói chuyện xứ A một hồi rồi chuyển sang xứ B, C,... rồi lại trở về xứ A. Am hiểu uyên thâm về văn học Hy Lạp, quan điểm đúng đắn, sự dịu hiền trong việc đánh giá và tính cách lạc quan của ông được thể hiện rất rõ trong bộ sử vĩ đại của ông.[5]

Là một tác phẩm không rõ tính xác thực, nhưng bộ sử "Historiai" của Herodotos thường thể hiện nhân cách độc đáo của ông, đó là tinh thần đạo đức cao cả của ông. Với ông, tất cả mọi dân tộc, dù có là Hy Lạp hay châu Á đi chăng nữa, đều chung sống trong một vũ trụ, vũ trụ ấy tiêu diệt được mọi tham vọng quá trớn, dù tham vọng ấy có lẽ của những dân tộc hùng cường nhất, vĩ đại nhất.[8] Ông luôn luôn nhấn mạnh rằng, kẻ hiếu chiến là kẻ ngu xuẩn, và sự trừng phạt đối với hắn là một thất bại nặng nề. Trong bộ sử "Historiai", tất cả những kẻ hiếu chiến đều bị đẩy lùi với chiến bại thảm hại, và chịu những hậu quả bi thảm.[12] Ví dụ, ông miêu tả về sự khùng điên của Hoàng đế Cambyses II khi quân Ba Tư không thể đánh bại được quân Ethiopia. Sau đó, ông chuyển sang một đề tài như sau: "Điều gì đã làm cho quân Ba Tư lâm vào chiến tranh với thế giới phương Tây".[12] Do thuyết nhân quả của Herodotos, rằng thành công quá trớn sẽ khó tránh khỏi thảm hại, ông đã chọn câu chuyện Hoàng đế Cyrus Đại Đế nước Ba Tư bị Nữ hoàng Tomyris người Massagetae đánh bại và giết chết từ một loạt câu chuyện về cái chết của vị vua Ba Tư này, và câu chuyện này rõ là phù hợp với cách ghi nhận của ông về Hoàng đế Cyrus Đại Đế. Có lẽ những ghi chép kia thường quá đề cao vua Cyrus Đại Đế nên Herodotos không chọn lấy mà ghi chép vào bộ sử "Historiai".[33]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Herodotos http://ancienthistory.about.com/library/bl/bl_text... http://books.google.com/books?id=VrHER1jYzhIC&pg=P... http://www.iranchamber.com/history/herodotus/herod... http://www.iranchamber.com/history/herodotus/herod... http://www.iranchamber.com/history/herodotus/herod... http://www.isidore-of-seville.com/herodotus/ http://www.losttrails.com/pages/Tales/Inquiries/He... http://www.newyorker.com/arts/critics/books/2008/0... http://www.sacred-texts.com/cla/hh/index.htm http://www.loyno.edu/history/journal/1998-9/Pipes....